Gò Công - Dòng Họ Phạm Đăng Và Huyền Thoại Ông Ba Bị

Gò Công - Dòng Họ Phạm Đăng Và Huyền Thoại Ông Ba Bị

Rạng danh dòng họ Phạm Đăng có Đức Quốc Công - Phạm Đăng Hưng - Lễ Bộ Thượng Thư - bậc khai quốc công thần dưới Triều Vua Gia Long và Vua Minh Mạng, cha vợ của Vua Thiệu Trị và cũng là Ông Ngoại của Vua Tự Đức.

Lật lại từng trang lịch sử tìm hiểu về dòng họ Phạm Đăng, ta tìm thấy câu chuyện về cụ Phạm Đăng Khoa là người nổi tiếng văn chương thời vua Lê Anh Tông (1532-1573) (là vị vua thứ 3 của Triều Lê Việt Nam).  Trong thời kỳ này quyền hạn của chúa Trịnh nổi lên, ông Phạm Đăng Khoa đem cả họ vào Thuận Hóa Quảng Trị, sau đó dời vào Phú Xuân Thừa Thiên Huế.
Ông cố của Phạm Đăng Hưng là Phạm Đăng Tiên được bổ làm Huấn Đạo Phủ Tư Nghĩa Quảng Ngãi (Chức quan lo việc học hành thời phong kiến).

Ông nội ông là Phạm Đăng Dinh là một người nổi tiếng thông thạo nho học và y học, hiệu là Huyền Thông Đạo Nhân.

Cha của Ông - cụ Phạm Đăng Long không chỉ là một nhà nho đáng kính mà còn rất tinh thông phong thuỷ, địa lý kính trọng từ Phú Xuân, nay là Hương Trà ở Thừa Thiên Huế. Cụ, với bao tâm huyết, đã cùng gia đình mình đặt chân đến Gò Công, khơi dậy mảnh đất màu mỡ này bằng việc chiêu mộ dân làng, mở mang sản xuất, biến Gò Công trở thành vùng đất thịnh vượng. Bên cạnh đó, cụ còn mở lớp dạy học, đào tạo nên thế hệ trí thức đầu tiên cho Gò Công. Cụ được người dân trong vùng trìu mến gọi là Kiến Hòa Tiên Sinh.

Cụ đã đi khắp nơi để tìm mảnh đất thuận lợi để con cháu phát tích. Khi ông đến mảnh đất Gò Rùa (Sơn qui) thấy thế đất đẹp nhưng toàn vùng không có nơi có nước ngọt, sau này ông phát hiện mạch nước ngọt tại Gò Sơn Qui, đến nay giếng nước vẫn còn ở đây, trong vắt và ngọt lịm, như một chứng tích lịch sử về dòng họ Phạm tại Gò Công.

Nơi đây con cháu của cụ, tiếp bước cha, cũng theo nghiệp dạy học, cùng với tổ tiên họ Phạm, được an táng tại Gò Rùa - mảnh đất linh thiêng, giữ vững danh tiếng cho gia tộc nơi đây qua nhiều đời.

Thời đấy, Cụ Phạm Đăng Hưng còn được dân chúng yêu mến gọi là ông Ba Bị. Đó là vì mỗi khi ông từ quê nhà Gò Công ra Huế, luôn nhớ mang theo ba bị lúa giống, hạt ngũ cốc tốt để phân phát, giảng dạy dân làng cách trồng trọt, nhân giống. Với vóc dáng cao lớn và bộ râu rậm mạnh mẽ, Cụ Phạm Đăng Hưng nổi tiếng là người quang minh chính đại, luôn đặt lợi ích của dân chúng lên hàng đầu. Dưới thời vua Gia Long, Cụ Ông đã đề xuất lập xã thương, một kho lúa dự trữ để phòng trừ thiên tai, hạn hán, giúp dân tránh đói. Cụ còn chủ động xin giống lúa mới từ Nam Bộ để phân phát cho dân, từng bước cải thiện đời sống và sản xuất nông nghiệp. Cụ Phạm Đăng Hưng, với lòng yêu thương và trách nhiệm với dân, đã trở thành hình mẫu sáng ngời của lòng nhân ái, sự công bằng, khiến những người dân lương thiện yêu quý và kẻ xấu phải e sợ mỗi khi nhắc đến tên ông.


Ông Phạm Đăng Được - dòng họ Phạm Đăng thứ 11 đang kể câu chuyện cho con cháu Xứ Gò

Thế nhưng một truyền thuyết về Ông Ba Bị - một hình tượng ông Ba Bị thanh liêm ngày nào trở thành ông Ba Bị làm nghề ăn xin chuyên bắt cóc trẻ con. Biết bao thế hệ trẻ em sợ sệt vẫn được truyền qua từng đời. Người ta thường hình dung ông là bóng đêm rình rập, một người đàn ông cao lớn, đen đúa, xấu xí, mang theo mình 3 chiếc bị lớn, thường bắt cóc trẻ em hư bỏ vào bị đem đi không cho ở với ba mẹ nữa. Điều này có lẽ xuất phát từ câu đồng dao “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Đây vốn là một câu đồng dao dùng để đếm đồ vật. Tiếc rằng nhiều người hiểu nhầm “ba bị” là ông Ba Bị, “quai” là “quai hàm” và “mắt” là “con mắt người”. Với số lượng “chín quai”, “mười hai mắt”, người ta hình dung ông Ba Bị là một giống quái dị, gớm ghiếc, dù thực sự ông chẳng liên quan gì đến câu đồng dao này cả. 

Thế nên, là một người con của xứ Gò, Khổng Tước Nguyên đang kể câu chuyện truyền thuyết, câu chuyện về Ông Ba Bị, hay ông Phạm Đăng Hưng, là minh chứng cho sự hiểu nhầm lớn trong lịch sử dân tộc. Từ một vị quan đức độ, yêu thương dân chúng, ông đã trở thành nỗi sợ hãi của trẻ em qua những bài học và lời kể dân gian. Câu chuyện của ông Phạm Đăng Hưng, một Ông Ba Bị người Gò Công đẹp bao nhiêu. Lan toả và nhớ đến bài viết này cũng là sự tôn trọng và hiểu biết lịch sử, không để những hình tượng đáng trân trọng của Người Gò Công bị hiểu nhầm và quên lãng.

Nhưng, câu chuyện về Ông Ba Bị - Phạm Đăng Hưng vẫn chưa hết, còn mối thân tình với Vua Gia Long, những câu chuyện của người khai quốc công thần của Triều Nguyễn không chỉ dừng lại ở đây. Hành trình của Đức Quốc Công vẫn còn nhiều điều để kể. Hãy cùng theo dõi tiếp những câu chuyện của Khổng Tước Nguyên vào mỗi tuần nhé! 

Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Sản phẩm của Khổng Tước Nguyên