Tái khởi nghiệp sau dịch: Ước vọng đưa mắm quê đi khắp nơi
- Người viết: vn khongtuocnguyen lúc
- Báo chí
- - 0 Bình luận
Lê Ngọc Thảo giới thiệu sản phẩm mắm tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2020 - LÊ THANH
Đó là ước mong của cô gái Lê Ngọc Thảo, ở TX.Gò Công, Tiền Giang, khi tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn.
Thay đổi điểm trừ thành điểm cộng
Sinh ra ở xứ Gò, lớn lên trong gia đình có truyền thống 4 đời làm mắm đã khiến Thảo có tình yêu đặc biệt với mắm. Sau bao năm đi khắp nơi học tập, làm việc, nhìn nhận sản vật ở quê dù rất ngon nhưng chưa có cơ hội để phát triển, Thảo quyết tâm để mắm quê mình vươn xa. Theo Thảo, mắm ngày nay đã trở thành những sản phẩm xuất khẩu có giá trị đến nhiều quốc gia trên thế giới và được nhiều người nước ngoài yêu thích. “Mình sẽ đặt tên cho sản phẩm Mắm Tôm Chà Xứ Gò với thương hiệu Khổng Tước Nguyên”, Thảo nói. Được biết, nhãn hiệu này đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bắt đầu từ tháng 8.2020.
Khi bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp này, Thảo đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu và nhận ra sở dĩ mắm Xứ Gò ngon, hương vị đậm đà, có thể kích thích vị giác của thực khách nhưng dường như đang còn vướng vài điểm trừ chưa được lòng thực khách. Đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, Thảo đã có giải pháp để thay đổi những điểm trừ này thành điểm cộng. Qua đó có thể lôi kéo thực khách.
Thảo xây dựng quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mắm sẽ được chế biến bằng phương pháp ủ lên men tự nhiên truyền thống, theo công thức gia truyền, không sử dụng hóa chất tổng hợp.
Tạo giá trị phát triển xã hội bền vững
Ngoài việc hướng đến mục tiêu giúp thực khách khi sử dụng mắm, Thảo còn chia sẻ về nguyện vọng lớn lao hơn, đó là tạo giá trị phát triển xã hội bền vững với phát triển sinh kế cộng đồng. Thảo cho biết sẽ sử dụng nguồn lao động là phụ nữ nông thôn tại địa phương cho việc sơ chế nguyên liệu đầu vào. Không những vậy, Thảo tạo mối liên kết cộng đồng, phục sinh món nghề truyền thống ở Gò Công bằng việc kết nối người dân bản địa vào sinh hoạt truyền thống.
“Hy vọng rằng với dự án khởi nghiệp này, mình sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán sinh kế của bản thân và cộng đồng cùng mục tiêu giữ gìn, phục hưng giá trị nghề truyền thống tại địa phương”, Thảo chia sẻ.
Thảo không ngần ngại nói về ước vọng mà cô “chắc chắn sẽ đạt được” trong 5 năm tới. Đó là biến nhãn hiệu mắm của cô trở thành thương hiệu được nhiều người yêu thích, tin tưởng và lựa chọn để sử dụng. Ngoài sản phẩm chính là mắm, Thảo còn vạch ra kế hoạch phát triển hệ sinh thái sản phẩm xung quanh mắm, như các loại rau dưa ghém lên men tự nhiên ở Gò Công, các dòng gia vị hằng ngày cùng tiêu chuẩn chất lượng: nước tương, nước mắm, tương ớt, tương cà, giấm...
Thảo cho rằng với giá cả phải chăng, thiết kế mẫu mã sản phẩm tiện dụng, đẹp, sang trọng, kèm theo các dịch vụ thiết kế thông điệp người gửi tặng, dịch vụ chăm sóc, giao hàng... sẽ tạo được điểm nhấn, đáng tin cậy, thu hút người dùng.
“Ba năm đầu, chúng mình sẽ tập trung phát triển, đẩy mạnh thương hiệu “phủ sóng” các thành phố lớn và những tỉnh phát triển du lịch theo văn hóa Mê Kông gắn với văn hóa mắm ở miền Tây. Sau đó sẽ phát triển ở nhiều tỉnh, thành còn lại trên cả nước”, Thảo chia sẻ.
Để biến những điều này thành sự thật, cô gái miền Tây này đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để triển khai thương mại hóa trên nhiều kênh khác nhau. Thảo cũng kỳ vọng thêm: “Mình đã đề ra mục tiêu kinh doanh là có thể cung cấp thị trường ít nhất 60.000 thành phẩm/năm các loại Mắm Xứ Gò. Mình hướng tới quảng bá đặc sản mắm ở quê và các dòng thực phẩm lên men tự nhiên qua phương thức lan truyền phong cách ẩm thực đậm hương vị truyền thống Việt ra thế giới trong tương lai không xa. Và mình tự tin sẽ làm được”.
07:53 - 17/10/2020, Lê Thanh, Báo Thanh Niên (bài viết tại đây)
Viết bình luận